Ông Lê Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã, Tổ trưởng Tổ trồng rừng Dự án WB3 của xã Phước An, phấn khởi, cho biết: “Phong trào trồng rừng theo dự án được nhân dân trong xã hưởng ứng khá tích cực, từ năm 2005 cho đến nay địa phương đã trồng được 492,5 ha, có 219 hộ tham gia, bình quân 1 hộ trồng 2,2 ha. Các hộ đều được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn vay từ 10 – 15 triệu đồng/ha, bà con có điều kiện đầu tư thâm canh chăm sóc rừng trồng.
Được dự án hổ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật từ khâu chọn giống (chủ yếu 2 giống keo lai và bạch đàn cấy mô), kỹ thuật xử lý thực bì, đào hố, bón phân, trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Qua đó, bà con tham gia dự án đều tuân thủ sản xuất rừng theo đúng quy trình kỹ thuật nên tỉ lệ cây sống đều đạt 95% cây rừng lớn nhanh phát triển xanh tốt, và nhờ triển khai Dự án WB3 mà những khu đất trống, đồi núi trọc đã được phủ xanh keo lai và bạch đàn.
Đến nay, có hơn 72 ha trồng rừng năm đầu dự án đến chu kỳ khai thác cho kết quả khá khả quan, 1 ha sản lượng khai thác đạt thấp nhất 40 tấn, cao nhất 110 tấn nên các hộ dân trồng rừng đều có thu nhập khá. Ông Nguyễn Đức Trị, một người dân địa phương tham gia Dự án WB 3, thổ lộ: “Khi xã triển khai trồng rừng Dự án WB3 với các chính sách ưu đãi, tôi đăng ký trồng được 5,5 ha rừng, đã được nhà nước cấp sổ đỏ. Nay đến chu kỳ thu hoạch tôi thu lãi 30 triệu đồng/ha”. Còn ông Võ Hữu Nhân, nhận đến 8 ha rừng, nhờ chọn giống keo chất lượng đưa vào trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật đã cho năng suất cao, ông thu hơn 70 triệu đồng/ha…
Dự án WB3 góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương, bỡi mỗi ha rừng trồng từ khâu xử lý thực bì đến khi xuống giống trồng phải mất khoảng 80 công lao động. Số hộ nghèo tham gia dự án hiện đều thoát được nghèo, nhiều hộ “ăn nên làm ra” vươn lên làm giàu từ trồng rừng.
Tác giả bài viết: Triều Châu
Ý kiến bạn đọc