Năm 2009 tình cờ anh đọc được tài liệu nuôi nhím, thấy phù hợp với điều kiện của mình, thế là anh bán hết heo cất công vào tận thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thăm quan các trang trại nuôi nhím vừa xem, vừa học hỏi cách nuôi. Tích luỹ ít kinh nghiệm, học hỏi qua sách báo cộng với sự giúp đỡ kỹ thuật của cán bộ thú y anh mua 1 cặp nhím chuẩn bị sinh sản hết 30 triệu đồng đem về nuôi. Tận dụng cơ sở chuồng nuôi heo anh thiết kế lại từng ô chiều ngang 1 mét, dài 1,5 mét, làm tường sắt cao 1,2 mét. Bên cạnh, để tạo nguồn thức ăn cho nhím anh trồng 2 sào rau lang, bắp, mì và bí đỏ bò đất. Từ 1 cặp nhím ban đầu đến nay anh phát triển lên 39 cặp, trong đó có 15 cặp nhím đẻ và anh đã có nguồn thu. Anh Hải tâm sự: “Tôi đăng ký trại nuôi nhím Ánh Hải và được Kiểm lâm huyện Tuy Phước cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi thú rừng, mới rồi xuất bán được 5 cặp nhím giống cho các hộ nuôi ở An Nhơn, thành phố Quy Nhơn và trong huyện thu được 75 triệu đồng. Tôi cũng hướng dẫn tận tình cách nuôi nhím cho họ đồng thời nhận bao tiêu nhím thịt với giá 450 nghìn đồng/kg. Tôi tính nếu 1 cặp nhím giống con 3 tháng tuổi mua 15 triệu đồng về nuôi giáp năm nhím sẽ sinh sản, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa nhím đẻ 2 – 3 con. Nếu để lại nuôi thịt 8 – 10 tháng thì xuất, trọng lượng đạt hơn 10 kg/con trở lên, với giá thịt nhím như trên 1 con cho thu nhập 4,5 triệu đồng. Còn bán giống thì thu nhập cao hơn. Thức ăn cho nhím rau, củ, quả dễ tìm phù hợp điều kiện nông thôn, còn bệnh tật tôi nuôi đã 3 năm nay chưa thấy nhím có bệnh gì”.
Hiện nay, nhiều địa phương trong huyện Tuy Phước nông dân tiếp cập việc nuôi nhím, đây là vật nuôi có triển vọng về kinh tế và cũng rất cần sự chuyển giao kỹ thuật của ngành chức năng.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc