Ngay từ đầu năm 2012, UBND huyện Tuy Phước đã bàn hành Kế hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, với chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phương thức nuôi theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái. Theo kế hoạch, toàn huyện đưa vào nuôi tôm trên diện tích 971 ha (100 ha nuôi bán thâm canh và thâm canh; 80 ha nuôi quản canh cải tiến; số diện tích còn lại 791 ha nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác), phấn đấu năng suất tôm bình quân 1.030kg/ha, sản lượng tôm 1.000 tấn, thủy sản khác 560 tấn.
Từ sau tết Nhâm Thìn cho đến nay bà con nuôi tôm trong huyện đã tăng cường các biện pháp tu bổ ao hồ và đến nay cơ bản xong khâu cải tạo. Với nhiều bà con nuôi tôm, chi phí cho cải tạo ao, hồ có tăng hơn so với mọi năm, đối với diện tích nuôi bán thâm canh – thâm canh chi phí cải tạo và mua bạt lót đáy hồ hết 50 triệu đồng/ha, diện tích nuôi quản canh cải tiến chừng 20 triệu đồng/ha và cải tạo diện tích nuôi xen chi phí 5 – 7 triệu đồng/ha. Các ao hồ sau khi cải tạo xong đều đã lấy nước vào gây màu chuẩn bị mua con giống về thả nuôi. Ông Hồ Ngọc Linh, có thâm niên 20 năm trong nghề nuôi tôm, ở thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, cho biết: “Năm ngoái tui thu lãi được 400 triệu đồng từ nuôi tôm, nên năm nay xã đưa ra đấu giá hồ tui tậu được 2 ha với giá 300 triệu đồng thời hạn 5 năm. Mới rồi thuê công đắp lại bờ, mua sắm máy móc, dự tính đầu tư khoảng 400 triệu đồng/ha nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tháng 3 tới sẽ thả tôm vào nuôi”.
Ông Hồ Ngọc Linh, thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) đang lắp đặt các thiết bị quạt nước chuẩn bị vụ nuôi tôm mới.
Trước khi vào vụ, trong tháng giêng và tháng 2, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với ngành chức năng và Công ty TNHH 5 Way ở tỉnh Khánh Hòa, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng trăm lượt hộ nuôi tôm, hướng dẫn phương thức nuôi, phương pháp tổng hợp phòng chống dịch bệnh tôm, triển khai các văn bản pháp quy của nhà nước về nuôi trồng thủy sản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Xây dựng các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái phù hợp với từng vùng nuôi; củng cố và tổ chức hoạt động của các chi hội nuôi tôm cộng đồng, hổ trợ xây dựng qui chế và tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội nuôi tôm hoạt động đạt hiệu quả. Trên cơ sở lịch thời vụ thả tôm nuôi của tỉnh, huyện cũng ban hành lịch thời vụ phù hợp đặc điểm mỗi vùng nuôi, thời vụ thả nuôi vụ 1 bắt đầu từ ngày 1.3.2012 và vụ 2 từ 1.7.2012. Đối với nuôi theo phương thức bán thâm canh – thâm canh mật độ thả tôm giống 15 – 20 con tôm sú/m², hoặc 50 – 80 con tôm chân trắng/m²; diện tích nuôi quản canh cải tiến mật độ nuôi 10 con tôm sú/m², hoặc 20 con tôm chân trắng/m²; Diện tích nuôi xen giảm mật độ tôm nuôi thả xuống một nửa so với diện tích nuôi quản canh cải tiến và áp dụng phương thức đánh tỉa, thả bù.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là năm vừa qua lũ không lớn, mùn bã năm trước chưa hoàn toàn phân giải hết nên môi trường vùng nuôi có nguy cơ ô nhiễm, cần thường xuyên theo dõi môi trường để lấy nước vào ao chăm sóc tôm nuôi. Bên cạnh, hết sức quan tâm đến chất lượng tôm giống, vì theo các địa phương thì năm qua số diện tích thả tôm giống trôi nổi vẫn chiếm ưu thế, nhất là đối với diện tích nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác. Tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường nuôi chưa cao, một số ao hồ khi tôm bị bệnh không báo cáo kịp thời nên công tác xử lý dịch bệnh gặp khó khăn…
Tác giả bài viết: Thái Phiên
Ý kiến bạn đọc