Ông Hồ Minh Cẩn, phụ trách Khuyến ngư, xã Phước Sơn, cho biết: “ Mô hình được Dự án cạnh tranh nông nghiệp hổ trợ chi phí 50% giá giống tôm sú (150 nghìn con tôm sú giống/ha), 100% giá giống cá đối cầu (500 con/ha) và men vi sinh suốt vụ, sau khi triển khai bà con chúng tôi mê lắm. Bỡi tính đến thời điểm này nuôi đã gần 5 tháng mà đâu có dịch bệnh gì, trong khi các ao nuôi khác quanh vùng hết bệnh môi trường tới bệnh đóm trắng xảy ra liên tục kéo dài đến vụ 2. Qua theo dõi bà con đánh tỉa thả bù đã thu 1 ha 700 kg tôm sú, 78 – 100 kg cá đối cầu bước đầu thu lãi khoảng 70 – 80 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí”.
Theo Trường ĐH Nông lâm Huế, thì điều kiện sinh thái đầm Thị Nại và các vùng quanh đầm đang có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Tuy đã áp dụng nhiều phương thức nuôi trồng thủy sản khác nhau trong thời gian dài nhưng liên tiếp thất bại nên làm nản lòng đa phần hộ nuôi tôm. Bên cạnh, ngành chức năng cũng có nhiều giải pháp hướng dẫn ngư dân nuôi tôm thân thiện với môi trường (TTVMT), song nhìn chung nuôi trồng thủy sản ở địa phương đến nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Việc thực hiện mô hình nuôi tôm sú xen cá đối cầu là bước khởi đầu cho phương thức nuôi mới. Khác biệt so với cách nuôi truyền thống trước đây là trước khi thả tôm giống vào nuôi công đoạn cải tạo ao, hồ được coi trọng với việc sử dụng 250 lít men vi sinh EM2 xử lý mùn bã hữu cơ và trong suốt quá trình nuôi liên tục sử dụng men vi sinh EM2 và EM5 nhờ đó mà tránh được dịch bệnh. Ông Phan Phương, 1/19 hộ tham gia mô hình, phấn khởi thổ lộ: “Cách nuôi lâu nay từ thâm canh đến quản canh cải tiến, nuôi ghép các đối tượng khác đều thực hiện cả nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Việc áp dụng nuôi theo phương thức mới của Trường ĐH Nông lâm Huế và Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh phải nói rằng bà con chúng tui khoẻ re khỏi lo lắng, chi phí đầu tư ít, không dịch bệnh, hiệu quả thu lại cao”. Còn ông Võ Văn Sô, cho rằng: Trước đây 2 ao 1.400 m2 của tui nuôi xen tôm sú với cá chua, bây giờ nuôi cá đối cầu thấy đáy ao rất sạch, đều bà con mừng là sử dụng men vi sinh của trường ĐH Nông lâm Huế thấy hiệu quả, an toàn, con tôm sú lớn nhanh đạt kích cỡ 20 – 30 con/kg, cá đối cầu 0,3kg/con nên bà con trong mô hình ai nấy đều vui mừng cảm ơn sự chuyển giao khoa học kỹ thuật của trường ĐH Nông lâm Huế và Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã đầu tư hổ trợ kinh phí.
Việc thành công mô hình đang mở ra hướng triển vọng không những cho vùng nuôi tôm đầm Thị Nại mà còn triển khai phương thức nuôi mới áp dụng rộng rãi các vùng nuôi khác trên địa bàn tỉnh.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc