Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống lũ
Có thể khẳng định, hầu như năm nào lũ lụt cũng gây thiệt hại lớn cho huyện Tuy Phước, chỉ trong 2 tháng 10 và 11 năm 2010 huyện hứng chịu liên tiếp 6 đợt lũ lớn đã làm 1 người chết, 145 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; hệ thống đê sông, đê biển, kênh mương thuỷ lợi, đường giao thông bị vỡ lở hàng nghìn mét, 63 ha ruộng bị sa bồi thuỷ phá… ước thiệt hại lên trên 122,5 tỉ đồng.
Để chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết có thể gây nhiều hậu quả khó lường. Cuối tháng 7.2011, huyện chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh lụt bão và tiềm kiếm cứu nạn (TKCN) luôn trong tư thế sẵn sàng, bảo đảm ứng phó mọi tình huống xảy ra. Với phương châm “né tránh, thích nghi để phát triển và phòng là chính”, các ngành Công an, Huyện đội, Huyện Đoàn, các đơn vị Quân đội (Trung Đoàn 739, Sư Đoàn 31, Lữ Đoàn Phòng không 573) đóng quân trên địa bàn huyện cùng ký kết phương án phối hợp tham gia cứu hộ, cứu nạn, hổ trợ nhân lực, vật lực, lương thực, thuốc men để giúp nhân dân trong vùng thiên tai bị cô lập. Đối với những đoạn đê sông xung yếu từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới hổ trợ tái thiết sau thiên tai, vốn hổ trợ của Trung ương, của tỉnh và kinh phí đối ứng của địa phương, huyện đã đầu tư hơn 19,9 tỉ đồng kiên cố nâng cấp 3.419 mét đê sông Côn, gồm đê bờ Bắc và bờ Nam từ thôn Mỹ Cang đến thôn Lộc Thượng (xã Phước Sơn) dài 2.401 mét, đê sông Gò Chàm (xã Phước Hưng) dài 268 mét, đê thượng lưu Cây Xoài và đê phía nam cầu Bà Di (xã Phước Lộc) dài 742 mét. Đồng thời, 3 công trình chuyển tiếp do nguồn vốn Trung ương hổ trợ có mục tiêu (đê ngăn mặn Bạn Dừa thị trấn Tuy Phước; đê sông Hà Thanh xã Phước Thành và đê sông Gò Chàm hạ lưu đập dâng Hạ Bạc xã Phước Hoà – Phước Quang) Các công trình trên đều đã triển khai thi công phấn đấu hoàn thành trước cuối tháng 9 tới bảo đảm vượt lũ.
Ông Huỳnh Minh Chấn, phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện, cho biết: “ Tiến độ thi công các công trình đê sông hiện đều bảo đảm theo yêu cầu đề ra. Nhân dân sống trong vùng ảnh hưởng lũ lụt trước đây nơm nớp lo sợ vỡ đê, thì nay an tâm hơn với các công trình Nhà nước đầu đã tư tu bổ, nâng cấp”.
Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân
Theo ông Huỳnh Đức Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tuy Phước, rút kinh nghiệm công tác PCLB năm qua, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị, củng cố lại Ban chỉ huy PCLB-TKCN của ngành mình, cấp mình, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên, tổ chức tuyên truyền họp dân ở các cụm dân cư, chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân, động viên mọi người, mọi nhà tuỳ tình hình thực tế lũ, bão mà chủ động đối phó. Đối với các công trình trọng điểm (hồ Cây Da, Cây Thích) xã Phước Thành, (hồ Hóc Ké) xã Phước An… cần xây dựng phương án bảo vệ và ứng cứu di dời dân ra khỏi vùng hạ lưu khi có sự cố xảy ra.
4 xã khu đông vùng “rốn lũ” nằm cuối 2 con sông lớn Hà Thanh và sông Côn tiếp giáp đầm Thị Nại (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hoà và Phước Thắng), các xã (Phước Thành, thị trấn Tuy Phước, Phước Thuận, Phước An) nằm ven sông Hà Thanh và các hộ sống dưới chân núi Kỳ Sơn thuộc các xã (Phước Nghĩa, Phước Sơn, Phước Hiệp) thông báo những hộ gia đình nằm trong vùng ngập sâu nguy hiểm và bị sạt lở sẵn sàng di dời không để thiệt hại về người và tài sản. Huyện cũng bố trí 25 ghe máy, 3 chiếc bo bo và mỗi xã chuẩn bị từ 2 – 5 xe tải luôn thường trực nhận nhiệm vụ của Ban PCLB-TKCN điều động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có tình huống khẩn cấp. Các vị trí đê xung yếu chuẩn bị đá hộc, bao cát, rọ thép, cọc tre, sầm, rơm rạ… để sẵn và cắt cử người canh gác túc trực 24/24 giờ tiếp ứng hộ đê. Việc kiểm soát các phương tiện đưa đò bằng ghe, sõng ở các đoạn đường tràn và qua sông phải được kiểm tra kỹ lưỡng, buộc phải có đầy đủ áo phao cho người đi đò, người điều khiển phải đủ 18 tuổi mới cho lưu hành. Đồng thời, biên chế mỗi xã, thị trấn một đội thanh niên xung kích PCLB từ 20 – 30 người và tổ XKPCLB thôn thường xuyên túc trực ở các đoạn đường tràn trên tỉnh lộ 640, tỉnh lộ 636A – 636B… để hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông khi lũ lụt xảy ra. Tiến hành triển phạt khơi thông dòng chảy các con sông lớn như Cây Me, Hạ Bạc, Gò Chàm để bảo đảm tiêu thoát lũ nhanh ra biển, rút ngắn thời gian ngập lụt. Ngoài ra, trong mùa mưa bão bảo đảm trực thông tin liên lạc thông suốt, Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn thông báo thường xuyên cho nhân dân biết đường đi của bão, cấp bão và cấp báo động lũ…
Mùa mưa bão đang đến gần, hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, huyện Tuy Phước sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Tác giả bài viết: Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc