Ruộng đất bình quân đầu người ở xã Phước Hiệp chỉ 400 m²/nhân khẩu, phần lớn lại bạc màu. Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng từ 3 vụ lúa bấp bênh sang sản xuất 2 vụ ăn chắc và 2 vụ lúa 1 vụ màu, 2 vụ màu 1 vụ lúa đã cho thu nhập khá. Nếu chỉ chuyên độc canh lúa trên diện tích hơn 700 ha, ở 2 vụ Đông xuân và vụ Thu năm nay cho năng suất tới 128 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so năm ngoái và với giá lúa 6.500 đồng/kg tại thời điểm, 1 ha đã có thu nhập 83,2 triệu đồng.
Ông Mang Đức Thuận, Bí thư Đảng uỷ xã Phước Hiệp, cho biết: “Nhiều năm qua xã khuyến khích nông dân chuyển toàn bộ diện tích ruộng 3 vụ sang sản xuất 2 vụ không những giảm được chi phí mà năng suất tăng đáng kể; còn chuyển đổi số diện tích chân cao trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, như : bắp lai, khổ qua, dưa hấu… và cây hoa huệ thực hiện cả chục năm nay, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nên năng suất ổn định”.
Theo báo cáo của UBND xã Phước Hiệp, 2 vụ Đông xuân và Hè thu năm 2011 toàn xã trồng 550 ha cây màu, gồm dưa hấu 40 ha, ngô 75 ha, đậu phụng 66 ha, đậu nành 43 ha, hoa huệ 55 ha, khổ qua 74 ha, còn lại các cây trồng khác, đều mang lại thu nhập cao. Trong đó, cây hoa huệ sau khi trừ chi phí thu lãi 100 đến 114 triệu đồng/ha, cây khổ qua thu nhập cao hơn lãi gần 120 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng; cây dưa hấu, cây ngô, đậu phụng, đậu nành… lãi thấp hơn nhưng so với trồng lúa thu nhập cũng cao gấp 1 - 1,5 lần.
Hoa huệ được đóng gói trước khi đem ra chỗ bán
Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân xã Phước Hiệp. Điển hình như các hộ: Nguyễn Đình Bốn, Nguyễn Văn Năm, Trình Văn Bảy, Nguyễn Thành ở thôn Luật Chánh, hộ Nguyễn Đình Thám ở thôn Lục Lễ mỗi năm trồng 8 sào đến 1 mẫu hoa huệ thu lãi từ 30 – 60 triệu đồng; hay hộ Nguyễn Văn Bảo, ở thôn Luật Chánh, trồng 8 sào khổ qua thu lãi 92 triệu và 2 sào huệ thu lãi 12 triệu đồng… Theo kinh nghiệm của bà con nông dân địa phương, việc luân canh các loại cây trồng trên cùng một chân đất sẽ né tránh được sâu bệnh và cho năng suất cao, ví như năm đầu trồng hoa huệ, thì năm sau chuyển sang trồng khổ qua, ớt, dưa hấu hoặc bắp lai rồi mới chuyển lại trồng hoa huệ. Nếu trồng một cây kéo dài nhiều vụ sẽ thất thu ngay. Hầu hết bà con nông dân ở đây đều thay đổi cây trồng theo kinh nghiệm tích luỹ được qua quá trình sản xuất và học hỏi từ sự chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chức năng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp cho nhiều hộ nông dân ở xã Phước Hiệp thoát khỏi đói nghèo, vươn lên giàu có, kéo theo kinh tế nông nghiệp địa phương tăng trưởng khá, hàng năm vượt trên 6 % so với chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ xã đề ra.
Tác giả bài viết: Triều Châu
Ý kiến bạn đọc