Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của huyện, trong năm vừa qua trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 ổ dịch tại Phước Lộc và Phước Thuận. Được sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành chuyên môn, phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn đã kịp thời khống chế, bao vây dập tắt, xử lý không để dịch lây lan, công tác tiêu độc, sát trùng khu vực lân cận được triển khai nhanh chóng. Công tác tiêm phòng định kỳ, ngành chuyên môn đã tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo và vận động người chăn nuôi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hệ thống thú y từ huyện đến cơ sở đã duy trì hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nên đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không để phát sinh, lây lan ra diện rộng. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại đó là trong chỉ đạo, điều hành, một số địa phương tập trung chưa cao, biện pháp chưa chặt chẽ, chưa thể hiện hết trách nhiệm của mình, tỷ lệ tiêm phòng không đồng đều giữa các địa phương (có xã còn thấp) dẫn đến vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhất là về tác hại của dịch bệnh; công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả chưa cao, công tác phối hợp phát hiện, báo cáo khi có dịch của nhân dân với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Huỳnh Đức Trị - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của huyện đã ghi nhận và biểu dương kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2011, đồng chí cũng nêu ra những tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục trong thời gian đến. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên động vật là công tác trọng tâm trong thời điểm này, mọi biện pháp phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Tổ chức thực hiện tốt công tác phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại và những nơi có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh; triển khai tiêm phòng vaccine lở mồm long móng cho gia súc (đối với heo: thực hiện cho đàn heo nái sinh sản và heo đực giống), tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu phải đạt 85% tổng đàn. Riêng đối với gia cầm tiêm vaccine cúm gia cầm cho 2 xã Phước Lộc và Phước Thuận (vì 02 địa phương này năm trước là nơi xảy ra ổ dịch); chỉ đạo tổ chức tiêm phòng vaccine đồng lọt, đúng thời gian kế hoạch quy định. Tăng cường giám sát, theo dõi, phát hiện, báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của huyện khi phát hiện có ổ dịch xảy ra để kịp thời chỉ đạo xử lý. Cần chuẩn bị tốt công tác hậu cần như: Giải quyết vaccine, hoá chất và các trang thiết bị khác, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; tập huấn về chuyên môn; tổng hợp báo cáo và đề xuất hỗ trợ kinh phí đúng quy định của Nhà nước. Tập trung chú trọng khâu tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức phòng bệnh cho người dân, phải báo ngay cho ngành chức năng và chính quyền địa phương khi có dịch bệnh xảy ra, trang bị cho bà con nhân dân những biện pháp kỹ thuật cơ bản để xử lý khi vật nuôi bị dịch bệnh.
Tác giả bài viết: Đào Duy Quốc -VP. HĐND và UBND huyện
Ý kiến bạn đọc