Mặc dù thời tiết trong năm 2010 diễn biến bất thường, hơn nữa hậu quả của bão lũ đã làm cho các hồ tôm bị sạt lở nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng không thuận lợi cho công tác nuôi trồng thủy sản, cộng vào đó nguồn vốn đầu tư thiếu do nhiều năm bị dịch tôm. Nhưng với sự giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật của ngành chức năng và chính quyền các địa phương nổ lực chỉ đạo, các hộ nuôi tôm cộng đồng trách nhiệm chuyển hình thức nuôi, nên tình hình nuôi tôm trong năm qua gặt hái thành công hơn mọi năm năng suất, sản lượng đều tăng, dịch bệnh giảm mạnh.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, diện tích mặt nước nuôi tôm và các loài thủy sản nước lợ đưa vào thả nuôi năm 2010 trên diện tích 972,2 ha, giảm 0,8 ha so năm 2009. Trong đó, diện tích nuôi tôm bán thâm canh (BTC) và thân canh 88,4 ha (có 35,2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng: Phước Thuận 6,5ha, Phước Sơn 11,7 ha, Phước Hòa 5 ha và Phước Thắng 12 ha), nuôi QCCT, nuôi ghép các đối tượng thủy sản khác (tôm, cá, cua, hàu)… theo phương thức TTVMT diện tích 883,8ha. Bà con thả tôm giống và các loài thủy sản khác vào đầu tháng 3 và sau 3 tháng nuôi bắt đầu thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa, thả bù” rất có hiệu quả.
Đáng kể nhất là người nuôi tôm đã ý thức được mô hình nuôi tôm cộng đồng, nên thành lập 13 chi hội và 2 nhóm cộng đồng trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệp sản xuất, hổ trợ kỹ thuật, giúp đỡ vốn, thực hiện tốt chủ trương giảm diện tích nuôi BTC ở những vùng không đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật hoặc năm trước bị dịch sang nuôi QCCT với mục đích hạn chế dịch tôm, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí đầu tư. Trước khi vào vụ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Chi cục NTTS tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật NTTS cho hàng trăm lượt ngư dân và triển khai 4 mô hình (nuôi tôm thẻ chân trắng vùng cao triều tại xã Phước Thuận và Phước Sơn trên diện tích 1 ha, nuôi tổng hợp “tôm, cua, cá” 0,5 ha vùng nuôi Huỳnh Giản Phước Hòa, nuôi cá chua bằng thức ăn công nghiệp 0,5 ha vùng nuôi xã Phước Thuận)… kết quả các mô hình đều đạt lợi nhuận khá trên 55 triệu đồng/ha. Tình hình dịch tôm năm qua cũng ít đi chỉ phát sinh 24,6 ha, giảm so năm 2009 lên đến 28 ha, diện tích bị bệnh chủ yếu là bệnh môi trường, một số ít diện tích bị bệnh đóm trắng đã phát hiện xử lý kịp thời nên khắc phục lây lan.
Kết quả, toàn huyện năng suất tôm qua thu hoạch đạt gần 823kg/ha, sản lượng hơn 859 tấn, tăng 11,56% so năm 2009. Nhiều vùng nuôi liên tiếp nhiều năm bị dịch bệnh hoành hành, năm qua cũng được mùa tôm, năng suất đạt khá, như vùng nuôi tôm Phước Hòa lãi ròng từ 30 – 60 triệu đồng/ha, cá biệt diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) lợi nhuận 150 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn văn Dũng, cán bộ Khuyến ngư xã Phước Hòa, cho biết: So với năm 2009 thì năm 2010 dịch tôm xảy ra không đáng kể là do bà con nuôi tôm TTVMT, lượng chất thải giảm, các đối tượng nuôi (cá chua, cá rô phi đơn tính, cá dìa, cua và một số động vật thân mềm…) ăn các loài côn trùng, rong, bã thực vật mà con tôm thải ra, đã cải tạo tốt môi trường nuôi nên tình trạng dịch bệnh tôm ở vụ nuôi năm rồi hạn chế, năng suất tôm đạt hơn 600kg/ha, chưa kể các đối tượng thủy sản khác”.
Rút kinh nghiệm vụ nuôi tôm năm 2010, chấp hành lịch thời vụ nuôi tôm năm 2011 của Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh, huyện Tuy Phước đang triển khai lịch thời vụ nuôi tôm đến với bà con ngư dân, theo kế hoạch toàn huyện cũng chỉ thực hiện 1 vụ nuôi tôm trong năm với diện tích 973 ha ( có 80 – 100 ha nuôi BTC, diện tích còn lại nuôi QCCT và nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác) và thời vụ bắt đầu xuống giống thả nuôi từ đầu tháng 3 cho đến tháng 6. Mật độ thả tôm giống 15 – 20 con tôm sú/m², hoặc 60 - 80 con tôm TCT/m² đối với diện tích nuôi BTC; 5 con tôm sú/m² và các đối tượng thủy sản khác đối với diện tích nuôi QCCT.
Ngay từ bây giờ các chủ hồ tôm đang tiến hành công tác tu bổ hệ thống đê bao, cải tạo phơi đáy ao hồ, chuẩn bị mọi điều kiện để đến đầu tháng 3 vào vụ nuôi. Theo ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT huyện: “Tình hình nuôi tôm năm nay có khả quan, môi trường nuôi thuận lợi do có lũ lớn trong tháng 11 năm trước. Thực hiện theo sự chỉ đạo UBND huyện trong tháng 2 tới phòng Nông nghiệp&PTNT cùng các ngành chức năng phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sú thương phẩm, tôm TCT, nuôi các đối tượng thủy sản khác. Không tăng diện tích nuôi BTC, duy trì diện tích nuôi BTC từ 80 – 100 ha, không khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm TCT, chuyển đổi đối tượng nuôi trên diện tích năm qua bị bệnh thân đỏ đóm trắng. Củng cố các chi hội, mô hình nuôi tôm cộng đồng có quy chế hoạt động riêng. Cùng các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn xử lý kỹ thuật khi có dịch bệnh xảy ra”.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, ngoài ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, và về nguồn vốn đầu tư, vấn đề trọng tâm là chất lượng tôm giống được thả nuôi như thế nào, vì năm qua bà con chọn giống chủ yếu thông qua cảm quan, số diện tích thả tôm giống chưa qua kiểm dịch vẫn chiếm ưu thế lên đến 85% và chỉ có 15% diện tích nuôi tôm con giống được kiểm dịch. Nhằm hướng đến một vụ nuôi tôm bền vững, nên chăng, huyện cần vận động và hổ trợ người nuôi tôm trong khâu kiểm dịch tôm giống trước khi đưa vào thả nuôi, bỡi con giống kém chất lượng là một nguyên nhân phát sinh bệnh và lây lan.
Tác giả bài viết: Ngô Hồng Sơn – Xuân Thức
Ý kiến bạn đọc