Trong thời gian qua, hiện tượng thời tiết bất thường, tình trạng bão, lũ , lụt xảy ra khó lường, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của nhân dân, tác động đến các hoạt động kinh tế - xã hội… cơn bão Yagi (bão số 3 năm 2024) là một minh chứng cho sự tàn phá của thiên tai, bão lũ gây ra. Xác định nhiệm vụ trong công tác phòng chống thiên tai là quan trọng, nên công tác ứng phó thiên tai của huyện luôn được chủ động; rút kinh nghiệm từ công tác PCTT các năm trước Huyện đã chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với thực tế tại địa phương trong năm 2024.
Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã xây dựng và phê duyệt Phương án PCTT, TKCN& PTDS năm 2024 tương ứng với các kịch bão lũ, cập nhật vào phần mềm quản lý thiên tai của tỉnh; đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai ở 13/13 xã, thị trấn; thành lập Đội Thanh niên xung kích PCTT&TKCN thuộc lực lượng Đoàn Thanh niên huyện và chuẩn bị lực lượng ứng phó thiên tai ở huyện khi cần thiết để xử lý tình huống khẩn cấp; triển khai khơi thông dòng chảy, tiêu úng thoát lũ trên các tuyến sông …; huyện đã xây dựng 4 kịch bản sơ tán dân ứng phó bão, lụt; chuẩn bị 28 chiếc ghe/xuồng máy cho các địa phương, chuẩn bị từ 2-5 chiếc xe ô tô tải đảm bảo an toàn để chuyên chở vật tư, lương thực, thực phẩm di dời dân, giao 04 chiếc Bo Bo cho lực lượng công an, quân sự huyện và dự trữ 110 áo phao, 11.000 bao cát…. Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân chuẩn bị phòng, tránh và tham gia các hoạt động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại địa phương; tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có thiên tai xảy ra,…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng phương án của các ngành, các địa phương; cụ thể: Tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, hiện có người dân sinh sống, mặc dù đã xây dựng phương án để di dời dân khi có tình huống khẩn cấp, tuy nhiên về phía người dân vẫn còn chủ quan…; việc cập nhập theo kịch bản trên phần mềm quản lý thiên tai ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm, dẫn đến còn gặp lúng túng khi tham gia vận hành thử… Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện trong năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Nam - Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao tinh thần chủ động, ứng phó thiên tai của các ngành và các địa phương, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống thiên tai, bão, lụt. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các ngành và các địa phương cần tập trung hơn nữa trong công tác Phòng, chống thiên tai; trong đó, cần tập trung chuẩn bị tốt nhất công tác phòng trước, với mục tiêu đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là tính mạng của người dân. Rà soát, bổ sung phương án PCTT-TKCN mang tính chủ động hơn, xác với tình hình thực tế của địa phương, triển khai có hiệu quả, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở tập trung thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tổ chức lực lượng trực ban 24/24 khi có thiên tai xảy ra; chuẩn bị tốt công tác hậu cần đảm bảo đời sống của người dân trong và sau thiên tai. Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, các đợt thiên tai đến người dân để biết, chủ động, phòng tránh ứng phó. Khẩn trương tổ chức kiểm tra rà soát các khu dân cư, trường học, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, xác định các điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn huyện./.